Trong suốt thời gian làm quan, bao giờ Hoàng Diệu cũng rất thanh liêm, có tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng trong công việc.
Vào những năm cuối đời, Hoàng Diệu đã gắn bó sâu sắc, một lòng sống chết quyết tâm bảo vệ thành Hà Nội trước sự tấn công của quân xâm lược Pháp. Đấy là một trong những lý do giải thích vì sao nhân dân cả nước ta, đặc biệt là nhân dân thủ đô H
à Nội rất biết ơn, quý trọng người con của quê hương Đất Quảng.
Hoàng Diệu tên chữ là Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Sửu (5-3-1829) tại làng Xuân Đài, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam.
Theo gia phả, họ Hoàng làng Xuân Đài vốn gốc từ làng Huệ Trù (sau này là xã Lộc Trù, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông tổ đời thứ nhất di cư vào Quảng Nam, thời gian đầu ở làng Đông Bàn, sau một trận lụt lớn đưa gia đình định cư ở làng Xuân Đài.
Đến thế hệ Hoàng Diệu, đã trải qua bảy đời.
Gia đình Hoàng Diệu xuất thân nhà nông và theo nho học. Ông thân sinh là Hoàng Văn Cự làm hương chức, qua đời lúc 54 tuổi. Bà thân mẫu Hoàng Diệu là Phạm Thị Khuê, thọ 88 tuổi, tần tảo làm ruộng và chăn tằm, nuôi dạy con cái. Gia đình có 10 người con, 7 trai (một người chết sớm), 3 gái. Cả nhà 6 anh em đều đỗ đạt: một phó bảng, ba cử nhân và hai tú tài.
Khoa thi Hương tại Thừa Thiên năm 1848, Hoàng Kim Giám (anh Hoàng Diệu), 22 tuổi và Hoàng Kim Tích, tức Hoàng Diệu, 19 tuổi cùng đỗ cử nhân. Bấy giờ Chánh chủ khảo, tham tri bộ binh Hoàng Tế Mỹ, và Phó chủ khảo, biện lý bộ Lễ Phan Huy Thực, thấy trong văn bài của hai anh em có những điểm giống nhau nên ngờ vực, tâu về triều đình. Tự Đức cho tổ chức phúc hạch riêng hai anh em, mỗi người ngồi một phòng ở tả vu và hữu vu điện Cần Chánh. Sau khi xét duyệt, Tự Đức phê: “Văn hành công khí, quy đắc chân tài: huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”. (Sự hành văn là việc chung, cốt để chọn nhân tài, anh em đỗ đồng khoa là việc tốt đẹp).
Hoàng Kim Giám không ra làm quan, qua đời năm 34 tuổi.
Hoàng Diệu thi Đình năm 1853, lúc 24 tuổi, đỗ phó bảng và được nhận vào làm việc tại Viện Hàn Lâm ở Huế.
Năm 1854, Hoàng Diệu xin thọ tang cha cho đến mãn tang. Sau đó (1855), ông được triều đình bổ làm Tri Phủ ở Tuy Phước rồi Tuy Viễn (Bình Định). Do lầm lẫn án từ, ông bị giáng chức, đổi về làm tri huyện ở Hương Trà (Thừa Thiên).
Bấy giờ là năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Hồng Tập, con hoàng thân Miên Áo, em chú bác của Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức. Việc bị bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị Tự Đức lên án chém. Hoàng Diệu đến nhậm chức tri huyện Hương Trà thay Tôn Thất Thanh bị đổi đi nơi khác, bấy giờ có mặt trong lúc hành quyết, nghe Hồng Tập trăn trối: “Vì tức giận về hòa nghị mà bị tội, xin chớ ghép vào tội phản nghịch”.
Hoàng Diệu đã đem điều được nghe trên đây nói lại với một viên quan là Phạm Huy Kiệm. Biết được lời trăn trối của Hồng Tập, Phan Huy Kiệm cùng với một số quan lại khác là Trần Gia Huệ, Biện Vĩnh tâu lên vua Tự Đức, đề nghị vua nên theo gương Hán Minh Đế, thẩm tra lại vụ án. Tự Đức phán là vụ án đã được đình thần xét kỹ. Chẳng những thế, Tự Đức còn giáng chức quan của Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ, Biện Vĩnh và cả Hoàng Diệu.
Biết rõ tấm lòng của Phan Huy Kiệm và Hoàng Diệu nên Đặng Huy Trứ người Thừa Thiên, vốn là một nhà yêu nước chủ chiến và canh tân giữa thế kỷ XIX – lúc này đang làm bố chánh ở Quảng Nam – đã viết trong một bản sớ dâng lên vua Tự Đức. Bản sớ có đoạn viết: “Ông Nguyễn Quýnh, nguyên bố chánh Khánh Hòa, người trong hạt của thần, ông Hoàng Diệu nguyên tri phủ Hương Trà và ông Phan Thanh Nhã, cả ba người này đều là cử nhân, phó bảng xuất thân, đều là người cương trực, mẫn cán, từng kinh qua địa phương, phủ, huyện, cai trị không nhiễu dân, tuy mắc lỗi lầm chưa được phục chức, nhưng khi ở địa phương, hoặc phủ huyện đều được sở dân tin yêu, khi ra đi mọi người đều nhớ. Những người như vậy không có nhiều. Nếu họ được nhà vua bỏ qua lỗi lầm mà đem dùng thì ở một huyện, họ là tri huyện hiền tài, ở phủ có thể là tri phủ tốt, ở tỉnh có thể giữ chức quan trọng. Nghĩ rằng không nên vì một chi tiết mà để một người suốt đời mai một. Huống chi lúc này, nước nhà đang gặp nhiều việc, lại có người không có việc thì thật là uổng phí, triều đình đã mất nhiều năm đào tạo, dạy bảo mới có được những người như thế. Trong số này, ông Nguyễn Quýnh có thể đảm nhận được chức bổ chánh, án sát một tỉnh lớn. Các ông Hoàng Diệu, Phan Thanh Nhã có thể đảm đương chức tri huyện, tri phủ một nơi quan yếu còn khuyết.”
Ngày 20 cùng tháng, bộ Lại nhận lời phê của Tự Đức: “Nguyễn Quýnh lĩnh ngay chức tri phủ, Hoàng Diệu và Phan Thanh Nhã được phục ngay chức quan tri huyện.”
Được phục chức, Hoàng Diệu ra làm tri phủ ở Đa Phúc (Phúc Yên) rồi được thăng án sát Nam Định và bố chánh Bắc Ninh – các tỉnh gần Hà Nội. (1868 – 1876). Trong thời gian ở đất Bắc này, Hoàng Diệu được sỹ dân Bắc Hà quý mến. Đó là lý do để Tự Đức phải thốt ra lời khen: “Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu ra không còn ai hơn”.
Năm 1871, với chức trách khâm sai quân vụ, Hoàng Diệu đã cùng với Đặng Huy Trứ đi dẹp phỉ ở biên giới.
Năm 1878, ở Quảng Nam xảy ra lụt rất lớn gọi là “nạn lụt bất quá” vì dân chúng cho là “bất quá nước tràn đến sân là cùng”, ít đề phòng. Nhưng rồi nước tràn về rất mạnh, cuốn trôi nhiều nhà cửa thóc lúa và súc vật, một số người chết trôi, đồng ruộng nhiều nơi ngập úng. Nhiều phủ huyện lâm vào cảnh bệnh tật, chết đói, trộm cướp, dân chúng phải ăn củ chuối trừ bữa.
Tiếp được biểu chương của quan địa phương, Tự Đức quyết định xuất tiền gạo công quỹ để chẩn tế và tìm người giao phó trách nhiệm.
Biết Hoàng Diệu là người chánh trực, am hiểu dân tình và phong tục đất Quảng, Tự Đức trao cho ông chức khâm sai đại thần, cầm cờ tiết và có quyền “tiện nghi hành sự”, lo việc chẩn tế an dân, dẹp trừ trộm cướp.
Đi sát tìm hiểu dân tình, sử dụng quyền hành thận trọng, Hoàng Diệu sớm hoàn thành trọng trách, ổn định lại tình hình.
Hồi ấy ở làng Giáo Ái, có một tên cường hào tên là hương Phi, lợi dụng tình hình nhiễu nhương, tổ chức một bọn tay chân chuyên cướp bóc, ức hiếp dân lành. Nhân dân trong vùng sợ bị báo thù, không dám tố giác với cửa quan. Hoàng Diệu được tin liền mở cuộc điều tra, nắm đủ bằng chứng, rồi bàn với quan tỉnh gọi hương Phi đến xét hỏi. Theo chủ trương của Hoàng Diệu, nhiều nạn nhân gởi đơn tới tỉnh đường tố cáo tội ác của tên cường hào. Hoàng Diệu cho niêm yết tội trạng của tên hương Phi và lên án trảm quyết. Dân chúng yên tâm, và bọn cướp không dám hoành hành nữa. (1-10)
Trong thời gian về làm việc an dân ở tỉnh nhà, Hoàng Diệu đã thể hiện rõ sự chính trực của một quan đại diện cho triều đình.
Ông tỏ thái độ cứng rắn đối với những người có bằng cấp, không có thực học.
Cao Xuân Dục trong tác phẩm “Thực lục” cho biết khi về Quảng Nam, Hoàng Diệu đã truất bằng và phạt tội một người đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876) nhưng đã nhờ người khác làm bài và hai người đỗ tú tài nhưng rất kém cỏi vì không trung thực trong thi cử. (2)
Nhờ gần gũi với nhân dân trong vùng, Hoàng Diệu còn biết rõ hai ông “tú tài” giấy, đã lợi dụng lúc bà con đang đói kém vì lụt lội, ra sức vơ vét để làm giàu bằng cách chuyên mua rẻ bán đắt. Dân chúng rất oán ghét họ. Hoàng Diệu đã trực tiếp gặp các vị “tú tài”, vừa để dò xét, vừa để thẩm tra học vấn của họ và tâu báo về triều đình tất cả những gì mà ông đã rõ.
Nhận được biểu tâu của Hoàng Diệu vua Tự Đức cho tổ chức sát hạch riêng những người ấy để có quyết định xử lý một cách danh chính ngôn thuận.
Sau khi hoàn thành được trách nhiệm do Tự Đức giao phó ở Quảng Nam cuối năm 1878 đầu năm 1879, Hoàng Diệu trở về triều đình nhậm chức tham tri Bộ Hình rồi Bộ Lại kiêm quản đô sát viện. Khi giữ chức tham tri Bộ Lại, kiêm quản đô sát viện và sung cơ mật đại thần, nhân có một viên quan là Lê Bá Thận ở dưới quyền, làm phó quản đô sát viện, mắc nhiều tội lỗi mà Hoàng Diệu không hề hay biết. Chính vì lẽ ấy mà Hoàng Diệu bị giáng hai cấp.
Trong năm 1879, Hoàng Diệu nhận trách nhiệm phó sứ cùng chánh sứ là thượng thư bộ Lễ – Đỗ Đệ đi đàm phán với Tây Ban Nha về một hiệp ước thương mại.
Từ sau khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết với thành Hà Nội vào năm 1873 và từ sau hiệp ước Giáp Tuất (1874) được ký giữa Triều đình Huế và bè lũ thực dân Pháp ở Sài Gòn về việc ngưng chiến tạm thời giữa hai bên trên đất Bắc Hà với điều kiện có lợi cho thực dân Pháp – bè lũ thực dân vẫn âm mưu mở rộng việc đánh chiếm ra Miền Bắc. Hàng ngày ở Hà Nội chúng có những hành động khiêu khích. Tình hình đó buộc Tự Đức vào năm 1880 phải cử Hoàng Diệu làm tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình). Việc triều đình Huế cử Hoàng Diệu ra giữ chức Tổng đốc Hà Nội năm 1880 là một sự lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh của thời cuộc lúc bấy giờ vì lẽ Hoàng Diệu là một vị quan nổi tiếng cương trực, thanh liêm, quyết đoán, có uy tín cao trong nhân dân Bắc Hà, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong kinh, ngoài nội.[2]
Trước khi ra Bắc nhận nhiệm vụ Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu về lại quê hương ở Xuân Đài để thăm mẹ già, sau đó đến Đông Bàn gặp thượng thư Phạm Phú Thứ (cùng quê Gò Nổi – Điện Bàn). Hai người trao đổi về thời thế suốt cả buổi sáng. Dùng cơm trưa xong, hai cụ bái biệt nhau. Sau này người ta hiểu cử chỉ ấy hàm ý hai vị quan triều đồng hương cảm thấy khó mong ngày gặp lại.
Hoàng Diệu rất sát dân và một lòng chăm lo đời sống của dân. Ra Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn ông đã hiểu được nỗi khổ của dân do lý dịch thông đồng với một bọn vô lại, ức hiếp, nhũng nhiễu dân, và ông đã ra “Lệnh cấm trừ tệ”. Nếu dân còn bị nhũng nhiễu thì “ từ bọn can phạm cùng tổng lý bị trừng trị nặng, huyện nha sở tại cũng khó mà chối cải được lỗi của mình”.
Ngày nay tại Ô Quan Chưởng, đầu phố hàng Chiếu ở Hà Nội, còn áp mặt tưởng ở cửa ra vào một phần tấm bia “Lệnh cấm trừ tệ”, niêm yết năm 1881, của Tổng đốc Hà Ninh – Hoàng Diệu – và tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng, lên án và nghiêm cấm việc lý dịch thông đồng với bọn vô lại, dung túng chúng nhũng nhiễu dân trong các dịp ma chay, cưới xin, vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ, kèm theo các quy định cụ thể buộc mọi người phải chấp hành. (1-14)
Sử gia quá cố Phan Khoang đã từng kể cho người đọc một câu chuyện về “đức khuyết cao dày” của thân mẫu Hoàng Diệu khi ông làm Tổng đốc Hà Ninh.
Vào tiết đông chí khoảng 22/12/1881, trong khi đang giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (bao gồm Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam – nhưng cũng có sách ghi là Hà Nội và Bắc Ninh), nhận thấy khí trời Hà Nội giá buốt, người người đều rét run cầm cập, phải ôm lồng ấm vào lòng, cảm nghĩ mẹ già đang hứng lạnh tại quê nhà, Hoàng Diệu liền cho người lính hầu (cận vệ), cưỡi ngựa mang về dâng lên mẹ già một chiếc áo độn bông. Khi người lính hầu trực diện cung kính trao cho cụ bà nói: “Thưa cụ, vì chính sự, quan Tổng đốc không thể về vấn an sức khỏe của cụ được, nên có sai phái con về dâng lên cụ chiếc áo ấm này để mặc lạnh…”. Cụ bà bảo rằng: “Con ta cho ta áo ấm đó hả? – Dạ bẩm cụ phải ạ – Có phải con ta gởi cho ta đó không? – Dạ phải. – Có phải thật không? – Bẩm cụ phải”. Thế rồi cụ ung dung đi ra sau nhà, lấy chiếc roi mây khoanh tròn lại, bỏ vào giữa chiếc áo ấm, niêm lại và nói với người lính hầu rằng: “Chú hãy cầm áo này về nói với con ta là dân mình còn nhiều người đói lạnh, chứ ta chưa đến nỗi nào. Hãy lo cho dân, cho nước trước cái đã”. Người lính hầu ôm chiếc áo ấm bên trong có chiếc roi mây trở ra Hà Nội trao lại quan Tổng đốc và được quan hỏi: “Khi trao áo ấm này mẹ ta có nhắn nhủ gì không?”. Người lính hầu tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện trên. Quan Tổng đốc bèn cầm chiếc áo để lên bàn, quỳ xuống mặt hướng về phương Nam, chắp hai tay cung kính nói: “Thưa mẹ, con cố gắng vâng lời mẹ dạy, từ nay con nguyện không dám làm trái ý mẹ như thế nữa”. Hoàng Diệu đã hiểu ý thân mẫu là phải “tận đạo trung mới tròn đạo hiếu”.
Ngay từ đầu khi mới nhận trọng chức Tổng đốc Hà Ninh, Hoàng Diệu đã nhận rõ vị trí quan trọng của Hà Nội “là yết hầu của Bắc Hà, là đất trọng yếu của nước nhà”, và “nếu Hà Thành một khi sụp đổ thì các tỉnh cũng tan rã theo”.
Và chính vì thế mà ông đã dồn hết sức lực và trí tuệ vào việc bảo vệ thành Hà Nội.
Nhà Nguyễn xây thành Hà Nội theo thể thức kiểu Vauban của Pháp từ cuối thế kỷ 17. Thành xây hình vuông, mỗi bề chừng 1km. Tường xây bằng gạch hộp, chân thành lớp dưới xây bằng đá xanh, lớp trên bằng đá ong.
Thành có 5 cửa:
– Cửa Bắc là phía sau, nay là chỗ giữa phố Phan Đình Phùng.
– Cửa Chính Đông, nay ở phía ngoài đoạn giữa phố Lý Nam Đế, nơi gần cầu đá đường xe lửa.
– Cửa Đông Nam, nay là chỗ mép phía đông phố Trần Phú, gần cuối phố Tôn Thất Thiệp (tức gọi là cửa Nam)
– Cửa Tây Nam, nay là chỗ mép phía Nam phố Trần Phú.
– Cửa Chính Tây, nay ở giữa đoạn đường Hùng Vương nơi xây lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Ở phía ngoài xung quanh tường thành có dải đất rộng độ 6- 7 mét, rồi đến một con hào rộng khoảng 15 – 16 mét, sâu chừng 5 mét. Liền ngoài hào có con đường đất đi vòng quanh bốn mặt thành.
Hoàng Diệu hết sức cũng cố việc phòng thủ thành trì: đắp thêm đất trên mặt thành cao hơn 1 thước 50, lấp hết các cửa thành và xếp bao cát xung quanh. Việc ra vào thành đều dùng thanh tre, đặt thêm đại bác ở các pháo đài. Quân lính vừa đóng ở trong thành vừa đóng ở bên ngoài để ứng cứu cho nhau.
Hoàng Diệu hiểu biết rất rõ là dù có thành cao, chắc, hào sâu mấy cũng không chịu nổi sức công phá của đại bác mới. Vì vậy cùng với việc củng cố thành lũy, Hoàng Diệu còn chú ý an dân, ra sức luyện quân, giao ước ứng cứu với Thống đốc quân thứ Tam Tuyên Hoàng Kế Viêm và nhiều lực lượng khác của Triều đình ở các tỉnh trung châu.
Ngày 3-4-1882, Henri Rivie từ Sài Gòn ra Hà Nội, đóng tại Đồn Thủy.
Thấy số quân Pháp đã tăng gấp năm lần số ghi trong điều ước 1874, Hoàng Diệu phái người tới chất vấn với lãnh sự Pháp.Và hôm sau, phó trấn thủ, tuần phủ Hoàng Hữu Xứng đã đến Đồn Thủy (bến Phà Đen hiện nay) gặp Rivie đề phản kháng. Rivie chưa chuẩn bị xong nên xin hẹn đến ngày hôm sau vào yết kiến Hoàng Diệu để trần tình. Ngày 4-4 Rivie đem theo hai hạ sĩ quan và mười lính đến yết kiến Hoàng Diệu. Ngõ ý muốn giao hảo của mình, đồng thời đưa ra một số yêu cầu. Hoàng Diệu không chấp thuận một yêu sách nào hết vì tất cả đều vượt quy ước 1874. Rivie bèn gửi điện khẩn cho súy phủ Sài Gòn xin tiếp gấp cho 10 vạn viên đạn và 150 kg thuốc nổ. Sau đó hắn tập trung quân lực của hai quân Pháp ở Hải Phòng về Hà Nội.Trong khi đó những khẩn sớ Hoàng Diệu mật gởi về Triều đình đều được trả lời: liệu lấy mà làm, đừng khinh động, họ lấy cớ mà gây sự. (4).
Rạng ngày 25-4 năm 1882, tức mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ âm lịch, 5 giờ sáng, Hoàng Diệu tiếp được tối hậu thư của Rivie. Lời thư xấc láo như một cái lệnh ra cho một đối phương cùng đường:
“Tôi đề nghị ông phải nộp thành cho tôi theo những điều kiện mà tôi nói ngay đây. Ngày hôm nay, lập tức sau khi tiếp được thư này, ông phải ra lệnh cho quân đội ông rời khỏi thành sau khi đã hạ hết khí giới và mở cửa thành. Hãy đảm bảo với tôi rằng ông thi hành những điều tôi đòi hỏi, ông phải nạp mình cho tôi, cả các quan tuần phủ, quan bộ, quan án, đề đốc, chánh lãnh binh, phó lãnh binh đều phải đến nộp mình tại dinh bản chức đúng lúc 8 giờ sáng”.
Thời hạn chưa dứt, quân Pháp bắt đầu nổ súng. Sáng ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (25-4-1882), Rivie hạ lệnh tấn công: ba tàu chiến ngược dòng sông Hồng đến ngang chỗ Cửa Bắc nã đại bác vào; quân Pháp dùng nghi binh ở Cửa Đông và Cửa Nam nhưng tập trung lực lượng đánh Cửa Bắc và Cửa Tây.
Tổng Đốc Hoàng Diệu và tuần phủ Hoàng Hữu Xứng lên mặt thành chỉ huy cuộc tác chiến. Quân ta trước đã đóng chặt Cửa Đông và Cửa Bắc, chú trọng giữ Cửa Nam và Cửa Tây. Đánh nhau từ 8 giờ đến 11 giờ sáng. Lục quân Pháp từ lối sông tiến vào Cửa Bắc, nhưng những nhà tranh trên dãy phố Hàng Than, Hàng Bún bị đốt cháy, khỏi lửa mù mịt, cản bước đi của chúng. Ở Cửa Nam nhiều toán nghĩa quân tập hợp, tham gia giữ thành bằng cách đánh chặn địch bên ngoài. (Nguyễn Văn Uẩn, bước suy tàn của thành Hà Nội) (1-188).
Tác giả của “Hà thành chí khí ca” – nhiều người cho là của “Nguyễn Văn Giai” – đã diễn tả cảnh chiến đấu lúc đầu của quân dân Hà Nội:
“Lửa phun súng phát bốn bề
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra nghe chết cũng nhiều
Phố phường nghe thấy tiếng reo ầm ầm
Quân ta đắc chí bình tâm
Cửa Đông, Cửa Bắc vẫn cầm vững binh.”
Nguồn: tuoitredienban.net
- di tích lịch sử cấp Quốc gia – Dinh trấn Thanh Chiêm – Quyết định số: 2078/QĐ-BVHTTDL ngày 24/5/2017
- TIỂU SỬ ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG TRẦN NHÂN TÔNG
- Chương trình xuân yêu thương năm 2022
- Đảng uỷ Điện Phương chỉ đạo Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027.
- HÀNH TRÌNH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG “TỰ HÀO LỊCH SỬ VIỆT NAM” NĂM 2023